Truyền thuyết về Hoa Quỳnh
Truyền thuyết ngày xưa vào thời nhà Tùy (605 -
617), vua Tùy Dạng Đế, một vị vua nổi tiếng đam mê, xa xỉ, một hôm nằm mơ thấy
một bông hoa đẹp...
Điềm báo mộng của vua Tùy Dạng Đế ứng với tin
đồn ngày ấy, tại thành Lạc Dương có ngôi chùa Dương Ly cổ kính, giữa canh ba,
chùa thình lình có ánh sáng rực như lửa cháy, như sao sa, hương thơm lạ lùng,
dân chúng bàng hoàng đến xem rất đông và thấy gần giếng nước sân chùa một cây
bông lạ, trổ hoa ngũ sắc, với 18 cánh lớn phía trên, 24 cánh nhỏ phía dưới,
hương thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi, xa ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là hoa
Quỳnh.
Vua yết cáo cho ai vẽ được hoa Quỳnh dâng lên
sẽ được trọng thưởng. Một họa sĩ dâng lên Vua bức họa hoa Quỳnh cực kỳ xinh
đẹp, tất nhiên hoa thật còn đẹp đến dường nào! Nghĩ vậy, Vua quyết định tuần du
Dương Châu để thưởng ngoạn hoa Quỳnh.
Tùy Dạng Đế ban lệnh khai một con kênh Vạn Hà
từ kinh thành Trường An đến Dương Châu. Hàng vạn người dân phải xây dựng con
kênh rộng chục trượng, hai bờ kênh trồng toàn liễu, cách đều nhau 10 mét. (Văn
học có từ “dặm liễu” xuất phát từ đó). Kênh đào xong, nhà vua cử hành buổi xuất
hành trọng thể, đoàn thuyền rồng đông đủ bá quan văn võ, và hàng nghìn cung nữ
rực rỡ, xinh đẹp cùng đi.
Hơn 90 ngày, đoàn du hành đến thành Dương Châu
vào buổi tối, nhà vua và đoàn tùy tùng còn nghỉ ngơi, ăn uống dưỡng sức qua
đêm. Trong khi đó, thuyền vừa cập bến, một vị tướng trẻ của triều đình là Lý
Thế Dân cùng bằng hữu nôn nóng rủ nhau lén đi xem hoa ngay trong đêm, sợ sáng
hôm sau triều thần cùng đi rất đông khó chen chân vào xem. Lý Thế Dân là người
có thiên mạng đế vương, nên được nhìn thấy hoa Quỳnh. Cánh hoa cong mềm trắng
nõn, nhụy hoa điểm màu vàng, hương bay ngọt ngào. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc
hoa đẹp tuyệt vời! Lý Thế Dân vừa xem hoa xong thì một cơn mưa to kéo đến, hoa
rụng hết. Về sau Lý Thế Dân trở thành vua Đường Thái Tông (627 – 649), rất được
nhân dân kính phục.
Sáng hôm sau, Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa
chỉ còn thấy chơ vơ cành lá, và những cánh hoa tan tác, rơi rụng !... Vua tiếc
công nghìn dặm đến nơi mà không được xem hoa, tức giận ra lệnh nhổ bỏ tất cả
gốc rễ bỏ đi!
Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở muộn về đêm, chỉ chào
đón những ai có tấm lòng thiện tâm, và có duyên tri ngộ: "Khi xem hoa nở,
khi chờ trăng lên".
Nhận xét
Đăng nhận xét